Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 447
  • Trong tuần: 10789
  • Tất cả: 1882188
SÔNG CỦA MIỀN SA MẠC (Đọc SA MẠC & NHỮNG VỆT NHỚ của Nguyễn Thị Kim Hòa)
Chẳng phải là con sông dữ dội, cường tráng,nước ăm ắp đôi bờ từ thuở hoang sơ, cũng không phải là con sông lung linh làm nên cái duyên đô thị hiện đại, đấy là con sông làm dịu miền sa mạc chảy dài thành vệt nhớ trong tâm hồn một người sống chậm giữa những xô bồ. Không đủ điều kiện đi hết đầu non cuối bể, cô gái 8x xứ Phan để lòng mình lắng lại với dòng chảy nhẹ nhàng của quê hương qua những lở bồi thế sự.


            Chẳng phải là con sông dữ dội, cường tráng,nước ăm ắp đôi bờ từ thuở hoang sơ, cũng không phải là con sông lung linh làm nên cái duyên đô thị hiện đại, đấy là con sông làm dịu miền sa mạc chảy dài thành vệt nhớ trong tâm hồn một người sống chậm giữa những xô bồ. Không đủ điều kiện đi hết đầu non cuối bể, cô gái 8x xứ Phan để lòng mình lắng lại với dòng chảy nhẹ nhàng của quê hương qua những lở bồi thế sự.

Từ con sông ấy, Kim Hòa dẫn chúng ta đi khámphá miền sa mạc với những điều tưởng lạ mà quen. Một loài cây dường như vô danh cũng có thể là “đế vương miền sa mạc”, những cây neem từ xứ lạ về đây phủ xanh triền cát trắng cũng trở nên gần gụi để cho ai đó trải lòng. Bánh tráng, bánh canh, những món dông đặc sắc và lá xào dông quyến rũ nồng nàn sẽ vương vấn mãi bởi tình đất tình người xứ cát. Cả những ngọn bấc, hạt mưa tạt về xứ này cũng vừa lạ vừa quen.

Bạn có thể sẽ thắc mắc: vì sao lại là “những vệt nhớ” khi lòng không mang tâm thế của kẻ tha hương?

Cô gái ấy nhớ quê với tất cả sự yêu thương, gắn bó – đấy chính là nỗi nhớ trong ám ảnh thời gian. Quê hương với những phận người vất vả tháng năm mới thực sự là tâm điểm của nỗi nhớ. Vậy nên, từng khung cảnh, từng sản vật của quê hương được dẫn lại qua lời của ai đó luôn đưa lòng về với chữ “xa xưa”. Những người quen cũ trong truyện ngắn của Kim Hòa một lầnnữa lại bước vào trang văn của cô với tất cả sự chân thật, dung dị. Họ là người níu giữ quá khứ tạo nên những vệt nhớ dài.

Một thời trọ học Sài Gòn, vài chuyến đi ngắn với bạn bè tới những miền đất lạ cũng có mặt trong tản văn để ghi dấu sự trải nghiệm. Nhưng hơn hết, nó là một sự đối chứng để bạn đọc nhìn thấy cái đẹp riêng của xứ cát khi sánh cùng những miền đất khác. Đi xa một chút để trở về với trọn vẹn yêu thương.
***

Con sông quê hương có những mùa không đủ “giải hạn” cho miền đất khát, chỉ là nơi ta “khoét giếng” để chắt chiu mạch sống có lẽ rất lạ với bao người lại là nơi đong đầy những niềm thương nỗi nhớ của xứ Phan. Con sông ấy sẽ tưới mát tâm hồn để lòng người không là sa mạc. Dẫu lên núi Chà Bang vọng một tiếng chuông chùa hay về với biển Bình Sơn ngắm sóng, Kim Hòa vẫn luôn thao thiết với sông Dinh. “Những kẻ tìm sông” – với tôi – là trang viết ám ảnh nhất về “những vệt nhớ” miền sa mạc.
“Đến đây gần biển xa nguồn 
Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu”
Con sông ấy sẽ giúp bạn định vị một “xứ Phan” trên dặm đường thiên lý.

Là PHAN RANG đấy, bạn ơi!

--- BẠN ĐỌC ---

NGUỒN: https://www.facebook.com/pagesoulmates/?ref=bookmarks