Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 673
  • Trong tuần: 8887
  • Tất cả: 1877764
GỞI CHÚT NHỚ VỀ MỘT THỜI CHUYÊN VĂN
Cô nhắn cho tôi bảo em viết một bài cho tập san nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường.Tôi mò mẫm đi lại con đường của ký ức, những ngày tháng cấp III lững thững trôi về trước mắt như một thước phim.

Cô nhắn cho tôi bảo em viết một bài cho tập san nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường.Tôi mò mẫm đi lại con đường của ký ức, những ngày tháng cấp III lững thững trôi về trước mắt như một thước phim.

Nếu chuyện đậu vào trường chuyên cũng là chuyện bình thường với bao học sinh khác nhưng với tôi,nó lại mang đến một điều rất lớn lao. Vì tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng chài vùng sâu vùng xa. Tôi nhớ hồi học tiểu học, mỗi buổi sáng đi học đều được phát cho hai bịch sữa vinamilk, mỗi tháng còn được trợ cấp 70 nghìn đồng để lũ học trò đen nhẻm chúng tôi không bỏ học theo ba đi biển, theo mẹ bán cá. Cô giáo dạy văn cấp II của tôi gọi việc tôi đậu vào trường chuyên là một điều kỳ diệu cho ngôi làng nhỏ này bởi tôi là đứa trẻ đầu tiên của xã học từ làng và đậu được vào trường chuyên. Chuyện tôi học trường chuyên có lẽ cả làng ai cũng biết, làng chài tý xíu, động tĩnh gì người ta cũng kháo nhau, những đứa nhỏ cũng biết đến tôi, vì năm nào vào mùa khai giảng, cô hiệu trưởng cũng nhắc tên tôi, lúc nào học cũng đạt điểm tốt, được giải văn và đậu vào trường chuyên làm các em noi theo. Câu chuyện trớ trêu một ngày khi tôi vừa đáp xe buýt sau một tháng học ở Phan Rang về thăm nhà, đang đi trên đường, trong quán nước đợi xe buýt có 2 người đàn ông nói chuyện với nhau :

Đó có phải con ông Hiếu không?

Đúng rồi nghe nói nó học giỏi lắm, học trường chuyên đấy.

Chuyên gì nhỉ ?

Chắc chuyên Toán.

Tôi không biết ở các trường khác lớp chuyên văn là như nào nhưng ở trường tôi vào thời tôi học,có một định kiến rằng chuyên Văn thì học dở. Khi đi ra đường, tôi và bạn tôi đều nhất trí rằng chúng tôi đều thấy mắc cỡ khi giới thiệu rằng mình học chuyên Văn, nghe chuyên Toán, chuyên Lý, chuyên Hóa thì phải oách hơn rồi. Những năm cấp III, tôi cũng nhấn chìm mình trong định kiến ấy, tôi có thể viết văn ở mức khá tốt những chưa bao giờ cảm thấy đam mê với những bài văn mình làm, tôi là một cô gái thích ví von và thích viết những dòng văn gợi hình, khi đội tuyển văn trao đổi bài cho nhau đọc, có thể bài tôi chẳng bao giờ là bài xuất sắc nhất nhưng thể nào tụi bạn cũng sẽ nhớ một vài hình ảnh so sánh, gợi hình trong bài văn của tôi. Tiêu biểu nhất là hình ảnh nỗi nhớ không chân tôi đã sử dụng để nói về nỗi nhớ của người chiến sĩ trong bài Tây Tiến, đến bây giờ họp đội tuyển các bạn vẫn đem ra trêu viết văn quái lạ.

Tôi không nhớ rõ khi ở cấp III, tôi có lần nào tự hào về việc học chuyên Văn củamình chưa, tôi không chắc nên sợ rằng mình nói dối nhưng kể từ khi bước lên Đại học, tôi dùng văn nhiều hơn, từ những điều vu vơ tôi chia sẻ trên facebook,công việc trong câu lạc bộ của trường đến dự án kinh doanh với đám bạn chung phòng, làm ai cũng biết rằng tôi từng là một cô gái học lớp chuyên Văn và mỗi lần các bạn đọc những dòng văn mơ mộng của tôi lại bảo rằng chuyên Văn có khác thì tôi lại mỉm cười một cách rất tự hào.

Như đã kể, tôi là đứa trẻ duy nhất trong xã học trường chuyên, trong khi các bạn tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là vào trường huyện. Mỗi dịp Tết về bọn nó lại rủ nhau đi chơi, tôi thấy mình thật sự lạc lõng, không chỉ vì ít gặp nhau trong khi tụi nó ngày nào đến lớp cũng trò chuyện với nhau mà còn vì những thay đổi trong suy nghĩ, tôi thật sự lạc lõng giữa những người bạn của mình. Nhiều lúc tôi có suy nghĩ rằng phải chi mình đi chung con đường với những người bạn cũ thì những Lễ Tết đã chẳng buồn như thế. Thế nhưng nếu bây giờ bảo tôi chọn lại tôi vẫn nguyện là một thần dân của chuyên Lê Quý Đôn.

Tôi sẽ chẳng dám so sánh về chất lượng giáo viên giữa ngôi trường huyện mình và Lê Quý Đôn vì tôi chẳng ngày nào học ở

ngôi trường kia cả. Điều mà tôi muốn nói đến đó là môi trường, khi tôi vào chuyên Lê Quý Đôn,bài kiểm tra đánh giá chất lượng đầu năm, tôi thấy mình bị chạm vào lòng tự tôn với số điểm thi vào lớp đứng thứ 2 khi không giải được bài tập Lý mà phải chép bài của bạn. Sau đó tôi tiếp tục bị ngợp bởi sự năng động và nhanh nhẹn của các bạn, tôi thấy mình là một cô bé thôn quê cứ ngơ ngác đứng giữa một xa lộ ai cũng vội vã. Rồi tôi cũng học nhiều hơn, nói chuyện với mọi người nhiều hơn,học thêm môn tôi học chưa tốt và bắt kịp mọi người dù nhớ lại ngày đó làm lớp phó thật quá nhiều lần mắc lỗi với các bạn. Lê Quý Đôn cho tôi một môi trường mới, văn minh hơn những gì tôi nhìn thấy ở trường làng, cạnh tranh hơn, khiến tôi lúc nào cũng nhắc nhở mình bước tới, đó là điều tôi tâm đắc nhất khi tôi đã chọn chuyên Lê Quý Đôn.

Có lẽ đọc những dòng này là những học trò đang khoác trên mình màu áo xanh lá cây đậm, đồngphục chuyên Lê Quý Đôn cũng là một thứ khiến tôi rất tự hào khi khoe tấm hình thẻ sinh viên là tấm hình được scan từ hình xét tốt nghiệp, mang một màu áo xanh thật đặc biệt. Khi ở ký túc xá, thi thoảng tôi thấy những bạn nam mặc chiếc quần tây xanh lá cây đậm ấy bước qua tôi biết rằng chúng tôi từ một gốc đi ra, tôi không gọi bạn nhưng thầm vui trong lòng khi thấy một điều thân quen giữa chốn đô thị vội vã này.

Một khi đã bước chân vào chuyên Lê Quý Đôn dù là chuyên gì, hay không chuyên, tôi tin rằng chúng ta luôn có thể ngẩng cao đầu tự hào chúng ta đã vượt qua rất nhiều sĩ tử ngoài kia để được vào một ngôi trường đặc biệt của tỉnh. Một ngày đã là học trò chuyên Lê Quý Đôn, để sau khi ra trường, một lần quay đầu lại, đó chính là cảm giác tự hào.
Nguyễn Thị Bích Huệ - VănK7