Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 586
  • Trong tuần: 8800
  • Tất cả: 1877677
BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÊN CƠ SỞ GIỚI


Bạo lực học đường trên cơ sở giới là một vấn đề nhức nhối đã và đang tồn tại trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong hai năm qua, tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vào ngày 24/10/2022, một nữ sinh lớp 10 tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị một nhóm học sinh (gồm 3 nam và 5 nữ) vây quanh đánh hội đồng, kéo lê trên đường. Không chỉ đối với học sinh, một vụ việc khác xảy ra vào tháng 5/2023, vì xếp học sinh hạnh kiểm trung bình, cô giáo V.T.K.Q (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã bị phụ huynh xông vào nhà đánh. Và mới đây nhất, vụ việc học sinh lớp 7 ở Tuyên Quang nhốt và ném dép cô giáo, ép cô vào tường rồi văng tục đã gây rúng động dư luận. Nếu chúng ta gõ tìm kiếm từ khóa “Bạo lực học đường”, Google sẽ cho chúng ta hơn 24.500.000 kết quả, điều này phản ánh mức độ đáng báo động của vấn nạn học đường này. Những sự việc trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho nền giáo dục nước ta và bộc lộ rõ sự kém cỏi, thiếu chuẩn mực trong văn hóa ứng xử học đường của một số thành phần trong đời sống ngày nay. Bài viết này sẽ phân tích kỹ về chủ đề “Bạo lực học đường trên cơ sở giới” và đưa ra giải pháp cho vấn đề này.


Bạo lực trên cơ sở giới hay bạo lực giới là hình thức phân biệt đối xử với con người dựa trên giới tính của họ. Từ đó, ta có thể hiểu bạo lực học đường trên cơ sở giới là bất kỳ hình thức bạo lực nào xảy ra trên cơ sở vai trò giới và quan hệ giới diễn ra trong, xung quanh nhà trường, trên đường từ nhà tới trường hay từ trường về nhà, hoặc trên không gian mạng. Các hình thức bạo lực học đường bao gồm: bạo lực về mặt thể chất, bao gồm cả trừng phạt thân thể (là các hành vi sử dụng vũ lực hay áp lực gây ra đau đớn về thể xác cho một người nào đó nhưng không nhằm gây thương tích); bạo lực tâm lý, trong đó có lạm dụng bằng lời nói; bạo lực tình dục, trong đó có cưỡng hiếp và quấy rối; và bắt nạt, bao gồm cả bắt nạt truyền thống (trực tiếp) và bắt nạt trực tuyến (trên mạng internet). Qua những sự việc được nêu ở trên, ta có thể thấy được ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực học đường: đó có thể là giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, thậm chí giữa phụ huynh học sinh với giáo viên,.... Những người ít có quyền lực hơn trong trường có khả năng trở thành đối tượng của bạo lực học đường trên cơ sở giới cao hơn. Trẻ em gái và những người phụ nữ đặc biệt có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của vấn đề này. Ngoài ra, các bạn chuyển giới và được cho là đồng tính cũng có nguy cơ bị bạo lực học đường trên cơ sở giới cao hơn. 


Bạo lực học đường trên cơ sở giới là một vấn đề phức tạp, xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau:

- Quan niệm cổ hủ âm ỉ tồn tại trong xã hội: “trọng nam khinh nữ” vẫn luôn tồn tại trong quan điểm của một số bộ phận ngày nay, khiến cho nhiều có thể lạm dụng nó để biến nhiều người trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.

- Phân biệt đối xử: đi kèm với những quan niệm cổ hủ, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng giới, góp phần dẫn đến bạo lực học đường.

- Sự lan truyền những quan điểm sai lệch về hai giới: có thể thấy trong nhiều bài báo, quảng cáo, phim ảnh,…, giới nữ thường được cho là “yếu đuối”, “cần được bảo vệ” hay được xem như một mặt hàng trao đổi.

- Nội dung giáo dục thiếu sự đa dạng và chuyên sâu về sự khác biệt giữa nam và nữ: có lẽ với nhiều người, đây vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, nhiều giáo viên có xu hướng lảng tránh, ít đề cập đến những vấn đề về giới trong bài giảng. Nhưng sự lảng tránh ấy cũng có thể dẫn đến sự hạn chế trong hiểu biết của học sinh.

- Sự chênh lệch về quyền lực và sức mạnh: đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, khi nhiều học sinh lợi dụng uy quyền và sức mạnh của bản thân để biến những học sinh yếu thế hơn mình trở thành nạn nhân “phục vụ” cho cảm giác trên cơ của mình.

- Phản ứng tiêu cực khi đứng lên chống lại hay nói ra sự thật: nhiều nạn nhân của bạo lực học đường khi đứng lên không những không nhận được sự cảm thông mà ngược lại, họ trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ vì “không có lửa làm sao có khói”. Thậm chí, họ còn bị đe dọa, thành ra những kẻ bạo lực ấy được đà tiếp tục hành vi của mình.


Bạo lực học đường trên cơ sở giới có ảnh hưởng và tác động tâm lý đối với việc học tập của học sinh bao gồm: mất tập trung; đạt điểm thấp; không muốn tới trường; lo sợ không muốn tham gia các hoạt động trong lớp; không dám nhờ giáo viên giúp đỡ; bị cô lập trong các hoạt động ở trường; chuyển trường; bỏ học; hạn chế lựa chọn môn học và sự nghiệp. Ngoài ra, tác động tâm lý còn ảnh hưởng đến tinh thần, làm gia tăng nguy cơ mất tự tin, lo lắng, trầm cảm; ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể tìm đến thức uống có cồn và các chất kích thích khác; trường hợp tồi tệ nhất có thể dẫn đến tự tử. Theo số liệu và nguồn thông tin báo Tiền Phong cung cấp: “Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Các vụ tự tử ở Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, tỷ lệ nữ sinh có xu hướng tự tử cao gấp 3 lần so với nam sinh. Đây được xem là tỉ lệ chênh lệch khá cao so với các nước trên thế giới”, và những con số ấy đã cho thấy “nỗi ám ảnh” đối với học sinh chính là bạo lực học đường. Hơn thế nữa, trong xã hội phát triển như ngày nay, bạo lực ngôn từ đã trở thành một thứ “vũ khí vô hình” có thể cướp đi hàng nghìn mạng sống. Đó chính là “cửa ngục” giam giữ con người trong “mê cung” trầm cảm, và những người không tìm được lối thoát khỏi cái gọi là “mê cung” ấy thì đều trở nên bế tắc và tìm đến cái chết. Chung lại, bạo lực học đường trên cơ sở giới mang lại nhiều hậu quả khó lường và hết sức nghiêm trọng.


Để giảm thiểu và khắc phục tình trạng này cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

- Tăng cường ý thức về bình đẳng giới cho giới học sinh thông qua chương trình học.

- Đưa ra hình phạt thích ứng cho các học sinh có hành vi phân biệt đối xử với các bạn khác giới.

- Giáo dục cho học sinh về cách phòng vệ bản thân khỏi các hành vi quấy rối, xâm hại, bắt nạt về thể xác (đặc biệt là các bạn nữ)

- Mở văn phòng tư vấn ẩn danh cho các bạn học sinh có nhu cầu chia sẻ về việc bị bắt nạt hoặc xâm hại mà không muốn ai biết.

- Đối với GVCN, cần thường xuyên chú ý đến tình hình lớp học để có thể phát hiện kịp thời các trường hợp bạo lực học đường.

- Đối với gia đình, cần quan tâm đến con cái, để ý đến tâm trạng và luôn ở bên để giúp ổn định cảm xúc của con.


Mỗi người đều có khả năng trở thành một phần của một vụ bạo lực học đường, có thể là kẻ bạo lực cũng có thể là nạn nhân. Nhưng dù là “vai trò” gì, chúng đều sẽ để lại những vết sẹo ngổn ngang trong tâm hồn của con người, và khi thứ gì đó chạm vào lớp màn phủ kín quá khứ ấy, nỗi đau đó sẽ động đậy một lần nữa. Những hậu quả ấy vẫn có khả năng tác động nghiêm trọng và lâu dài đến tâm lý và thể chất. Vậy nên, trong cuộc sống này, điều đơn giản nhất là chỉ cần ta đủ tự tin để chia sẻ, vẫn sẽ có người lắng nghe và giúp đỡ. Hãy dùng tiếng nói của chính mình để giải thoát bản thân. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, bình đẳng và nói không với bạo lực học đường, các bạn nhé!


Chi đoàn 12 Tiếng Anh


Nguồn thông tin: